Cổ phiếu Tesla và hiệu ứng FOMO thổi bùng lên chiến lược đầu tư hoàn toàn mới, nhà đầu tư thoải mái tùy chỉnh danh mục dù đầu tư theo quỹ chỉ số
Khi cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện nổi tiếng nhất thế giới gia nhập chỉ số S&P 500, các nhà đầu tư với khoảng 11 nghìn tỷ USD đang đặt trong các quỹ gắn với chỉ số này cảm thấy vui buồn lẫn lộn. Cuối cùng thì các cú đặt cược của họ sẽ bắt đầu có thêm chút “ma thuật” của Elon Musk, nhưng họ phải trả mức giá cao gấp 7 lần so với năm ngoái để có được đặc quyền này.
Nếu có cơ hội, có bao nhiêu người sẽ ngay lập tức thêm Tesla vào danh mục của mình từ tháng 1? Hoặc thậm chí là tháng 6, khi cổ phiếu Tesla tăng giá gần gấp đôi?
Khả năng tùy chỉnh đang là điểm nổi bật nhất của chiến lược đầu tư đứng sau 2 trong số các thương vụ lớn nhất năm 2020 của ngành quản lý tài sản: direct indexing. Ý tưởng ở đây rất đơn giản: thay vì mua cổ phiếu trong 1 quỹ nắm giữ mọi cổ phiếu có trong chỉ số, nhà đầu tư sẽ trực tiếp mua cổ phiếu. Mức độ chịu ảnh hưởng từ chỉ số là tương đương với đầu tư qua quỹ chỉ số nhưng nhà đầu tư không bị bó buộc. Họ có thể tùy chỉnh, ví dụ như thêm vào 1 cổ phiếu đang tăng vọt như Tesla trước khi cổ phiếu này chính thức gia nhập chỉ số. Có thể nói direct indexing chính là sự kết hợp giữa đầu tư chủ động và bị động, hiện đang thu hút được khoảng 300 tỷ USD sau khi bắt đầu nổi lên trong mấy năm gần đây.
“Trường hợp cổ phiếu Tesla khiến nhiều người lần đầu nhận ra rằng S&P không phải là danh sách 500 công ty lớn nhất trên thị trường”, Elya Schawartzman, nhà sáng lập của ES Investment Consulting LLC nói. Với direct indexing, “bạn có thể tự tạo chỉ số của riêng mình”.
Hình thức đầu tư này cũng cho phép kết hợp nhiều tài khoản dù chúng được quản lý riêng rẽ – điều vốn tường chỉ được áp dụng với danh mục của các khách hàng giàu có. Trong thời đại phí môi giới bằng 0 và hình thức mua lẻ cổ phiếu ngày càng phổ biến, chiến lược direct indexing tỏ ra rất phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong ngành quản lý tài sản, direct indexing đang thu hút được nhiều sự chú ý. Thương vụ Morgan Stanley chi 7 tỷ USD mua Eaton Vance Corp chính là nhằm vào direct indexding khi mà Parametric Porfolio Associates của Eaton Vance đang là công ty cung cấp dịch vụ direct indexding hàng đầu. Cách đây ít ngày BlackRock vừa thông báo chi 1 tỷ USD thâu tóm Aperio.
Kịch tính không kém ví dụ Tesla, đôi khi direct indexing có thể khiến các công ty bị loại khỏi danh mục đầu tư chứ không phải được thêm vào như Tesla. Hướng đến những khoản đầu tư đạt chuẩn về 3 yếu tố ESG – môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp, xung quanh các công ty luôn có rất nhiều tranh cãi. Direct indexing sẽ cho phép nhà đầu tư tự phán quyết dựa trên quan điểm của bản thân, tự loại bỏ những công ty mà họ cho là không phù hợp.
Tất nhiên nhà đầu tư cũng phải trả thêm tiền cho sự tùy chỉnh này. Mặc dù sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty môi giới và các công ty quản lý tài sản đã khiến chi phí giao dịch giảm mạnh, các sản phẩm direct-indexing thường thu phí vào khoảng 0,15 – 0,35%. Mức này thấp hơn so với các quỹ tương hỗ chủ động, nhưng cao gấp 3-5 lần so với một số quỹ ETF, ví dụ mức phí mà Vanguard Total Stock Market ETF thu chỉ là 0,03%.
Cho đến nay direct indexing chủ yếu thu hút các nhà đầu tư cá nhân siêu giàu, theo Tom O’Hsea, lãnh đạo của Cerulli Associates. Direct indexing mang đến lợi ích lớn về thuế vì các nhà đầu tư có thể lỗ nặng hơn và sử dụng khoản lỗ này để giảm số thuế phải nộp. Các quỹ ETF được biết đến nhiều hơn với chiến lược này, nhưng direct indexing cho phép nhà đầu tư tận dụng ở cấp độ cổ phiếu đơn lẻ.
Thông thường để làm được điều này nhà đầu tư cần phải sở hữu một lượng lớn cổ phiếu mà nằm ngoài tầm với của các nhà đầu tư trung bình. Tuy nhiên công nghệ ngày càng phát triển và cổ phiếu lẻ mà những công ty môi giới như Charles Schwab và Robinhood mang đến cho nhà đầu tư đã khiến mọi thứ thay đổi. Bạn có thể sở hữu 200 cổ phiếu khác nhau mà không cần có quá nhiều tiền như trước kia.
Một nghiên cứu do Cerulli mới công bố cho thấy 67% các công ty quản lý tài sản tin rằng direct indexing mang đến cho họ cơ hội tốt nhất để quản lý cả các yếu tố ESG và thuế. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi có nhiều cái tên lớn trong ngành để mắt tới mảng này.
Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cho biết có kế hoạch đầu tư mạnh vào mảng quản lý tài khoản đầu tư. Thương vụ thâu tóm Aperio được kỳ vọng sẽ đẩy tăng tài sản của công ty trong lĩnh vực này lên hơn 160 tỷ USD.
Charles Schwab cũng vừa thâu tóm Motif, 1 công ty cung cấp dịch vụ direct indexing. CEO Walt Bettinger II cho biết direct indexing sẽ đóng 1 vai trò quan trọng trong tương lai của công ty.
Dẫu vậy vẫn còn tồn tại khá nhiều hoài nghi về đà tăng trưởng của chiến lược này. Kể cả đã cho phép tùy chỉnh để thêm vào cổ phiếu Tesla trước khi Tesla gia nhập S&P 500, hiệu suất của chiến lược này vẫn không thể đánh bại hiệu suất của 1 quỹ ETF thuần túy.
Ngoài ra hiện tượng đầu tư theo ESG vẫn còn khá mới mẻ và chưa thực sự nổi bật. Có lẽ đó cũng là 1 trong những lý do khiến quỹ dẫn đầu Parametric chỉ huy động được 15 tỷ USD trong 1 năm qua, trong khi dòng tiền chảy vào mảng ETF ở BlackRock là 126 tỷ USD trong cùng kỳ.
Direct indexing sẽ phải mang về mức lợi suất cao hơn đáng kể mới có thể thu hút nhà đầu tư mạnh mẽ hơn. Hiện tại nhiều người sẽ nghiêng về những lựa chọn khác như mua riêng cổ phiếu Tesla song song với đầu tư vào quỹ chỉ số hoặc chọn 1 quỹ ETF rộng hơn mà có bao gồm cổ phiếu Tesla.
Tham khảo Bloomberg