Còn nhiều vướng mắc trong quá trình cưỡng chế công trình vi phạm

Trong văn bản số 10311/BC-SXD-TT ngày 1/11/2021 của Sở Xây dựng Tp.HCM báo cáo kết quả thực hiện Luật Thanh tra giai đoạn 1/1/2021 đến 30/6/2021 có kiến nghị gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TpHCM sửa đổi, bổ sung một số vấn đề gây khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật thanh tra 2020.

Theo Sở Xây dựng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, các biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn công trình vi phạm tiếp tục thi công vẫn chưa mang tính chất răn đe. Cụ thể, các biện pháp ngưng cung cấp dịch vụ liên quan đối với công trình vi phạm không được Quốc hội thông qua nên vẫn còn một bộ phận người dân cố tình vi phạm gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Việc áp dụng cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, do đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng không quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chưa kể, Thanh tra Sở Xây dựng không có cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp để thực hiện việc thẩm định phương án, giải pháp tháo dỡ công trình; không đảm bảo đầy đủ các điều kiện và thành phần tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn TP (lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong và sau khi thực hiện cưỡng chế, phòng cháy chữa cháy, y tế, dân vận…).

Việc Thanh tra Sở Xây dựng lập, thẩm định, phê duyệt phương án và tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm sẽ không phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, dẫn đến phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác thu hồi tiền sau khi khi thực hiện cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn do người vi phạm không hợp tác, không tự giác thực hiện. 

Từ  thực trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo, đề xuất bổ sung các giải pháp khẩn cấp tạm thời, tạm ngừng cung cấp các dịch vụ liên quan (điện, nước, viễn thông…) ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn các trường hợp cố tình vi phạm, tiếp tục thi công xây dựng dẫn đến khó khăn trong công xử phạt vi phạm hành chính.

Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền ban hành và thực hiện Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, tránh chống chéo về thẩm quyền gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Previous post 2 khu vực ven trung tâm Sài Gòn có giá BĐS tăng chóng mặt
Next post Phân khúc bất động sản nào sẽ tăng mạnh trong thời gian tới?